ĐỨC  HỒNG  Y  PHẠM  MINH  MẪN  CHIA  SẺ  VỚI  GIỚI  LIÊN  TU  SĨ  SÀI-GÒN

 

Thứ năm ngày 27.4.2006, tại Hội trường Toà Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài-gòn, Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn, đã nói chuyện với giới Liên Tu Sĩ của Tổng Giáo Phận Sài-gòn Có khoảng 60 đại diện của các Dòng Tu và Tu Hội nam nữ đã tham dự buổi chia sẻ này. Buổi chia sẻ bắt đầu vào khoảng 8 giờ 15 và kết thúc vào khoảng 9 giờ 20. Mở đầu Đức Hồng Y cho biết mỗi lần gặp gỡ giới Tu Sĩ thành phố Sài-gòn là một dịp mang lại cho ngài niềm vui, vì hai lý do:

Thứ nhất: Cuộc gặp gỡ tạo sự hiệp thông giữa các Dòng Tu, Tu Hội với Giáo Phận. Sự hiệp thông này đưa đến sự hiệp nhất là điều mà Chúa Giê-su lưu ý chúng ta. Sự hiệp nhất này giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trắc trở và giúp Giáo Hội phát triển.

Thứ hai: Chúa Giê-su nói rằng Mục Tử để 99 con chiên trong đàn lại để đi tìm một con chiên lạc. Nay thời buổi có quá nhiều chiên lạc xuất hiện lẻ tẻ trong hàng ngũ của mình và xuất hiện nhiều hơn nữa trong xã hội. Do đó, tôi vận động 99 con chiên còn lại trong đàn kia cùng tôi đi tìm những con chiên lạc mà đưa về đàn.

Như lời Đức Hồng Y nói, ngài chia sẻ thông tin liên quan đến hai chuyện và những cảm nghiệm kèm theo. Một là về chuyến đi Rô-ma. Hai là về Giáo Phận.

 

I. CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN CHUYẾN ĐI RÔ-MA

 

1. Đợt vừa qua, Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm thêm 15 vị Hồng Y nhằm bảo đảm cho Hồng Y Đoàn đủ 120 vị từ 80 tuổi trở xuống để sẵn sàng cho cuộc bầu cử Đức Tân Giáo Hoàng trong tương lai.

Quan điểm của Toà Thánh và Đức Giáo Hoàng hiện nay là mong muốn sự bang giao giữa Toà Thánh với các quốc gia diễn ra ở mức tốt đẹp nhất và mở ra một sự hiệp thông sâu xạ. Do đó, trong 15 tân Hồng Y tấn phong lần này, Toà Thánh chọn một vị là người Hồng Kong, thay vì là người Đài Loan để tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Toà Thánh vẫn không tránh được khó khăn trong việc chọn lựa vị Tân Hồng Y này. Lý do là Đức Giáo Hoàng đương kim và các bậc tiền nhiệm, không có thói quen hỏi ý kiến trước các chính phủ như khi bổ nhiệm làm Giám Mục, nhưng đồng thời lại báo cho Nhà Nước về việc tấn phong Hồng Y.

Các Hồng Y ở bên nhau. Góp ý và cố vấn cho Đức Giáo Hoàng. Ngài lắng nghe. Tôi có gặp một ông cựu bộ trưởng Bộ Cựu Chiến Binh của Hoa Kỳ hiện làm đại sứ tại Vatican. Ông hỏi tôi: Đức Giáo Hoàng có khoẻ không ? Năm nay ngài 79 tuổi rồi. Tôi trả lời. Hồi ngài còn làm Hồng Y thì tôi thấy ngài trắng bạch, nay thì lại hồng hào. Ngài ngồi suốt một ngày nghe chúng tôi nói. Ngài chỉ đúc kết trong 15 phút. Ngài đưa ra phương hướng ứng xử chung chứ không giải quyết từng việc. Đường hướng của Vatican hiện nay là ôn hoà. Trước phong trào Hồi Giáo cực đoan, thì phải tìm các nhóm Hồi Giáo ôn hoà để tác động.

 

2. Qua trao đổi với các vị trong Hồng Y Đoàn, tôi thấy nhiều vấn đề nảy sinh từ các Giáo Hội địa phương. Khó khăn nhất là ở các nước Hồi Giáo. Còn tại các nước Tây Phương khó khăn xuất hiện từ các nhóm cực hữu, cực tả, từ Giáo Dân, Giáo Sĩ, từ các Giáo Phận và các Dòng Tu. Thậm chí từ các Giám Mục. Chẳng hạn có vị hỏi: Hồng Y và Giám Mục là Linh Mục đời đời, thế mà 75 tuổi phải về hưu, thì dựa trên cơ sở Thần Học nào mà quyết định như vậy ?

Tôi nói chuyện với một số Đức Hồng Y ở Châu Á. Tôi thấy vấn đề của Giáo Hội Hong Kong là làm thế nào để Giáo Hội có được các quyền như mọi người. Vấn đề của Giáo Hội Hàn Quốc là hoà hợp và hoà giải dân tộc. Vấn đề của Giáo Hội Philippines là làm thế nào để người ta thoát khỏi cảnh nghèo khó và có cuộc sống xứng đáng phẩm giá con người.

 

3. Tôi thấy Giáo Hội ở nước nào cũng có những khó khăn và những vấn đề phải giải quyết. Nước nhiều tự do cũng có lắm vấn đề; nước ít tự do cũng có lắm vấn đề. Chẳng hạn ở nước mình bây giờ: Thiếu khả năng tiếp nhận Ơn Gọi. Ở Chủng Viện Sài-gòn đây hiện có 210 Chủng Sinh. Mỗi lớp 7 – 80 sinh viên làm sao các giáo sư theo dõi việc học và sửa bài vở cho các sinh viên cho tốt được. Rồi chỗ ăn chỗ ở. Trước kia Nhà Nước giới hạn ứng sinh vào Chủng Viện. Năm nay Nhà Nước không cắt nữa. Xin bao nhiêu cho bấy nhiêu. Vì thế, lớp học từ 7 – 80 tăng lên khoảng 100. Thế là phải dọn cả kho để làm chỗ ở.

Cách đây 5 năm, Hội Đồng Giám Mục đề nghị Nam Bắc mỗi miền mở thêm thêm một Chủng Viện. Tháng 12 năm rồi, chính quyền cho phép mở cơ sở II cho Chủng Viện Thánh Giu-se Sài-gòn tại Xuân Lộc. Chính quyền kêu tôi bổ nhiệm Phó Giám Đốc cho cơ sở này. Tôi đâu có quyền hạn gì trên Xuân Lộc mà bổ nhiệm. Thế là chúng tôi bàn nhau và Đức Giám Mục Xuân Lộc để tôi làm giấy bổ nhiệm người làm Giám Đốc cho cơ sở này về mặt chính quyền. Còn về mặt Gíao Hội thì Đức Giám Mục Xuân Lộc làm giấy bổ nhiệm.

Nhờ có Chủng Viện Xuân Lộc, nhu cầu cơ sở vật chất của Chủng Viện Sài-gòn bớt căng thẳng. Thực ra tôi muốn chia Chủng Viện Sài-gòn từ tháng 10 năm rồi mà chưa được. Nhưng tháng 7 tới đây cũng sẽ chia. Các Chủng Sinh 4 Giáo Phận: Xuân Lộc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt sẽ học tại Chủng Viện Xuân Lộc. Chủng Viện Sài-gòn chỉ còn đào tạo Chủng Sinh của các Giáo Phận: Phú Cường, Mỹ Tho và Sài-gòn.

Liên quan đến Chủng Viện, bây giờ có đề nghị năm thứ nhất của Chủng Viện làm năm tu đức để rửa sạch bụi đời và trau dồi những khả năng cần thiết khác. Vì nhiều Chủng Sinh đã học đại học mà viết một câu tiếng Việt cũng không rồi. Bên cạnh thiện chí, còn có nhiều chuyện khác không lành mạnh đi vào tâm thức của những người trẻ nhập tu. Do đó, phải đào tạo cho các Chủng Sinh có ý hướng ngay lành, có kỹ năng đáp trả Ơn Gọi, có khả năng bỏ mình và vác thập giá. Tôi cảm nghiệm điều này hết sức sâu xa: Phải bỏ thói đời. Phải bỏ thói ăn gian nói dối. Vì cả xã hội đã như vậy rồi.

Làm sao năm đầu rửa sạch được cái này. Nếu không bỏ được thì tác hại như thế nào ? Vì thói đời nhiễm vào thì hàng Linh Mục bị phân hoá. Có khi thới đời nhiễm nặng như trường hợp ở một Giáo Phận nọ bên Thuỵ Sĩ Đức Giám Mục phải từ chức và Chủng Viện của Giáo Phận phải đóng cửa.

 

4. Nói chuyện với các Hồng Y ở các nước xung quanh, họ nói có nhiều cộng đoàn Ki-tô hữu Việt Nam là lao động xuất khẩu ở các nước như Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc. Các ngài nói với tôi sao không thấy các Linh Mục Việt Nam sang giúp họ. Tôi nghĩ rằng Giáo Hội Việt Nam có trách nhiệm với người lao động ở Đài Loan, Philippines, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan.

Việt Nam mình bây giờ mở cửa. Các nước Á Châu mình gắn kết với và giao lưu với nhau. Vì thế có các cộng đoàn kiều dân người Nhật, người Hàn, người Ấn, người Thái, người Phi, v.v... hiện diện trong thành phố chúng ta. Vì thế, tôi cũng tạo điều kiện cho các Hồng Y sang thăm các cộng đoàn của họ ở đây. Tôi mời các Hồng Y của các nước Nhật, Hàn, Phi, Ấn, Thái sang đây thăm các cộng đoàn kiều dân của họ. Có vị nói “Tôi sẽ làm điều đó”, vị khác nói “Ý kiến hay”. Các vị bảo tôi cho biết thời gian. Tôi dự định thời điểm đầu tháng 12 năm nay.

Tôi nhờ Dòng Tên đứng ra thu thập tài liệu và tổ chức một buổi hội thảo vào đầu tháng 12 tới đây nhân dịp kỷ niệm 500 năm truyền giáo Á Châu. Do đó tôi dự kiến mời các Hồng Y sang đây vào đầu tháng 12. Ngày 1 tháng 12 các vị sẽ thăm các cơ sở của Giáo Phận; ngày 2 tháng 12 thăm cuộc hội thảo và kết thúc cuộc hội thảo bằng một Thánh Lễ. Ngày 3 tháng 12 thăm các cộng đoàn di dân của nước họ. Các cộng đoàn kiều dân này cũng rất mong các vị Hồng Y của họ đến thăm họ cho biết. Họ sẽ báo cáo cho Hồng Y của mình biết về cuộc sống và sinh hoạt đạo nghĩa của họ ở đây. Chúng tôi và các cộng đoàn kiều dân sẽ phối hợp với nhau tiếp đón các Hồng Y.

 

II. CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN TỔNG GIÁO PHẬN SÀI-GÒN

 

1. Mấy năm nay nhiều Nhà Thờ mới được xây dựng khang trang. Nhiều Nhà Dòng cũng vậy. Trước hiện tượng này, từ trong nước ra hải ngoại có dư luận rằng chúng ta đang xây dựng một Giáo Hội giàu có, trong khi còn nhiều người rất nghèo.

Tại sao người ta nói thế ? Có lẽ vì ở nhiều nước có hiện tượng ngược lại: Từ Rô-ma đến nhiều nơi khác có nhiều Nhà Thờ đóng cửa vì không có ai đi Lễ, nhiều Nhà Dòng biến thành nhà trọ vì không có ai tu. Trong khi đó mình lại cứ tiếp tục xây Nhà Thờ và Tu Viện. Mình đi ngược lại họ, do đó họ khó hiểu và từ đó có dư luận như trên.

Thực tế là phải xây dựng thêm Nhà Thờ, vì số Giáo Dân gia tăng rất nhanh. Khi tôi về đây năm 1998 Giáo Phận có khoảng 520.000 Giáo Dân. Đến năm 2005, con số tăng lên 630.000 Giáo Dân. Trong 8 năm tăng hơn 100.000 Giáo Dân. Chưa tính cả trăm nghìn di dân không kiểm kê được.

Nhà Thờ được xây dựng và sửa sang nhiều, nhưng người đứng tràn ra đường vẫn có. Tôi nghe nói chỗ này chỗ kia người ta đi lễ ôm. Tôi đi xem một số nơi, thì thấy một số nào đó đi lễ ôm thật, nhưng tuyệt đại đa số không phải vậy. Tôi dự Lễ đêm Phục Sinh ở DCCT. Lễ kéo dài hơn hai tiếng. Bao nhiêu người khác cũng đứng mỏi chân như mình. Mà họ đứng cũng trang nghiêm sốt sắng. Đứng như vậy có phân biệt giàu nghèo không ?

Ông Đại sứ Hoa Kỳ ở Vatican hỏi tôi: Nhà Thờ ở Việt Nam đầy người đúng không ? Tôi nói đúng vậy. Mỗi lần tôi đi cử hành Lễ, ở mọi nơi tôi đều thấy vậy. Tôi thấy họ phải đứng vì Nhà Thờ không đủ chỗ. Cho nên phải mở rộng Nhà Thờ ra, phải xây mới. Cũng vì thấy người ta đứng chen nhau thế nên tôi thấy phải đưa Lễ vào Trung Tâm Văn Hoá của Giáo Phận – Trung Tâm này vừa được mở rộng sức chứa từ 5 nghìn lên 12 nghìn người.

 

Tôi thấy người ta tìm đến Giáo Hội như một chỗ dựa để vững niềm tin. Họ đến đông quá, mình phải xây dựng cơ sở vật chất, người ta không hiểu hết hoàn cảnh của mình, cho nên người ta nói không đúng. Nhưng nếu mình chỉ xây dựng nhà cửa mà không quan tâm đến việc giúp đỡ người nghèo và người bất hạnh cho đủ thì điều người ta nói là đúng.

 

2. Tôi muốn các Nhà Dòng góp phần cùng tôi đi tìm và chăm sóc các con chiên lạc. Lâu nay tôi thấy nhiều Dòng Tu đã làm. Nhưng nay phải quan tâm hơn nữa. Trước giờ chính quyền có cho mình làm gì đâu ! Cùng lắm chỉ cho coi nhà trẻ, mẫu giáo. Mà xem lại có đúng không, chỉ toàn con cán bộ, công an, doanh nghiệp ? Có phục vụ người nghèo không ?

Tôi cũng muốn các Dòng Tu góp phần phục vụ, vì nhu cầu thực tế của thành phố, ví dụ như Trung Tâm Chăm Sóc AIDS của thành phố ở Bình Phước. Mục tiêu chiến lược của Nhà Nước đề ra từ 5, 6 năm nay là giúp người nhiễm HIV hoà nhập với đời sống xã hội, đồng thời ngăn chặn HIV. Vậy mà chính ông Bí Thư thành phố này mới nói với tôi rằng đại dịch cứ càng ngày càng tràn lan mà nạn nhân lại không được ai chăm sóc. Làm sao giúp họ chịu đựng và hoà nhập được với xã hội?

Một số Dòng Tu hợp tác với tôi để chăm sóc phục hồi sức khoẻ và sự sống cho các bệnh nhân HIV-AIDS ở Trung Tâm Bình Phước. Đó là các Dòng St Paul, Vinh Sơn, Salésien Don Bosco, Thừa Sai Bác ái Chúa Ki-tô và Chúa Chiên Lành. Tuần vừa rồi chúng tôi vừa hình thành Ban Quản Trị của Trung Tâm. Theo sự sắp xếp này thì Ban Giám Đốc lo việc chuyên môn, còn Ban Quản Trị gồm thành viên của 5 Dòng kia thì lo việc chăm sóc và giúp đỡ các bệnh nhân.

Trong Giáo Phận chúng ta còn có các nhóm công tác xã hội phục vụ người nghèo và người bệnh hoạt động cũng tích cực. Tháng hay hai tháng một lần họ báo cáo tình hình với tôi. Nhưng họ không có con số thống kê cụ thể, rõ ràng. Tôi đang nhờ các Hội Đồng Giáo Xứ làm thống kê cho rõ ràng, cụ thể hơn.

Trong khi đó, tôi cũng phải xem chính quyền có để cho chúng ta cộng tác giúp đỡ người nghèo khổ không ? Hôm Tết, chính quyền nói cho phép người Công Giáo góp phần lành mạnh hoá đời sống gia đình. Họ nói phải làm thôi, vì chúng tôi làm không xuể. Nhưng cũng có người của chính quyền nghĩ rằng mình làm để tranh giành ảnh hưởng này kia. Ý là vậy.

 

Tóm lại là chúng ta phải yêu thương mọi người mà ưu tiên là những người nghèo khổ nhất. Đó là cách thi hành Lời Chúa dạy. Chúng ta cố gắng làm một cái gì đó để thế hệ trẻ thấy chúng ta và để chúng ta trở thành gương mẫu khích lệ họ sống Lời Chúa và phục vụ hết mình. Tôi vẫn đang phát động, gây ý thức và kêu gọi đông đảo các thành phần Dân Chúa dấn thân vào các công tác này. Đấy là nhu cầu bức thiết của thành phố chúng ta.

 

Kết thúc buổi nói chuyện, đáp lại lời kêu gọi của Đức Hồng Y, cha Vũ Khởi Phụng, DCCT, Chủ tịch Liên Tu Sĩ thành phố phát biểu rằng: Những điều Đức Hồng Y vừa nói, chúng con sẽ tiếp tục trao đổi và bàn hỏi để việc phối hợp phục vụ giữa Giáo Phận và các Dòng Tu, giữa các Dòng Tu với nhau được tốt hơn. Cha chủ tịch cũng cho biết: Để phục vụ nhu cầu của Giáo Phận, Liên Tu Sĩ thành phố đang làm danh sách các anh chị em có khả năng chuyên môn trong các Dòng Tu và Tu Hội.

 

Lm. NGUYỄN VĂN KHẢI, DCCT, lược ghi

    (trích từ EPHATA 266)

 

 

TOP